Công thức tạo nên một Doanh nghiệp hạnh phúc
Xây dựng một tổ chức hạnh phúc là cách mà các nhà lãnh đạo tạo dựng sự bền vững từ bên trong để vững vàng bước qua mọi thách thức. Vậy đâu là công thức tạo nên một doanh nghiệp hạnh phúc? Cùng Học viện CEO Việt Nam tìm hiểu qua bài viết dưới đây để nắm rõ được các yếu tố cần và đủ để xây dựng một tổ chức hạnh phúc.
Nhân viên hạnh phúc
Định nghĩa “nhân viên hạnh phúc” bao gồm nhiều yếu tố và tùy theo quan điểm của mỗi người. Nhưng bằng cách này hay cách khác, doanh nghiệp tốt vẫn luôn tìm cách để nâng cao “chỉ số hạnh phúc của nhân viên” để khi nhân viên của họ hạnh phúc, khi đó, doanh nghiệp sẽ nhận lại được nhiều lợi ích bất ngờ.
Hầu hết người lao động khi được hỏi về định nghĩa “hạnh phúc”, họ đều trả lời rằng đó là “sự hài lòng”. Vì khi hài lòng, họ cảm thấy hoàn toàn được trao quyền bởi người quản lý/ lãnh đạo của mình. Xa hơn nữa, điều này cho thấy rằng nhân viên đã có đủ năng lực, kỹ năng và công cụ để tự đưa ra quyết định trong công việc.
Người lao động cần phải hiểu được công việc mà mình đang cống hiến cho Doanh nghiệp/Tổ chức chính là những đóng góp có tính xây dựng nền tảng. Người lao động sẽ càng làm việc hăng say hơn nữa nếu họ nhận thấy được vị trí của mình góp phần tăng thêm giá trị và ý nghĩa cho Doanh nghiệp. Sau tất cả, những nhân viên hạnh phúc với công việc mà mình đang làm sẽ mang đến hiệu quả và lợi nhuận cao hơn hẳn cho Công ty.
Doanh nghiệp cần sản sinh ra lợi nhuận để duy trì hoạt động. Nếu nhân viên hạnh phúc, họ sẽ khiến khách hàng hạnh phúc. Khi khách hàng hạnh phúc; họ hài lòng và sẽ quảng bá; giới thiệu dịch vụ / trải nghiệm của họ đến với mọi người. Việc này cũng đồng nghĩa với việc sẽ mang đến nhiều khách hàng mới hơn; thu về lợi nhuận cao hơn… Nói cách khác, nếu chịu đầu tư vào con người; họ sẽ mang đến nhiều lợi ích to lớn cho Doanh nghiệp/Tổ chức.
Lãnh đạo hạnh phúc
Chủ doanh nghiệp thường được người khác nhắc đến như một người thành công, đứng trên đỉnh vinh quang, là người có tiền bạc, danh vọng và vị trí mà người khác phải mong cầu. Nhưng có phải cứ thành công thì sẽ hạnh phúc không?
Với sứ mệnh kiến tạo thế hệ doanh nhân thành công và hạnh phúc, ông Ngô Minh Tuấn sau khi tìm hiểu và nghiên cứu các triết lý của Đạo Phật, cùng với những kinh nghiệm, thất bại, đổ vỡ; ông thấy rằng một CEO hạnh phúc phải hội tụ đầu đủ các yếu tố:
Đối với sự nghiệp:
– Phát triển, mở rộng được doanh nghiệp
– Xây dựng được đội ngũ vận hành chủ động, nhân sự tự động
Đối với gia đình:
– Dành thời gian cho gia đình, bản thân.
Đối với bản thân:
– An lạc từ trong tâm
– Tạo ra giá trị cho cộng đồng
Một CEO hạnh phúc sẽ kiến tạo hệ thống đội ngũ nhân sự hạnh phúc, từ đó xây dựng được một doanh nghiệp hạnh phúc.
Vai trò của người chủ doanh nghiệp và đội ngũ lãnh đạo, quản lý trong việc thiết lập một môi trường làm việc và văn hoá doanh nghiệp phù hợp sẽ là yếu tố tiên quyết quyết định mức độ hạnh phúc của nguồn nhân lực. Để giúp nhân viên có thể hạnh phúc thì bản thân người lãnh đạo phải hạnh phúc, vững vàng, thể hiện tính trách nhiệm và cam kết với doanh nghiệp. Đặc biệt, trong bối cảnh mới, hệ thống đào tạo nội bộ (learning & development) phải được nhìn nhận đúng mức về vai trò và trách nhiệm trong việc thúc đẩy văn hoá doanh nghiệp và mức độ gắn kết – hạnh phúc của nhân sự.
Khách hàng hạnh phúc
Không có một công thức cụ thể nào có thể áp dụng cho mọi doanh nghiệp trong việc cải thiện mối quan hệ với khách hàng. Mặc dù vậy, một yếu tố không thể thiếu với sự thành – bại của doanh nghiệp là hiểu cách theo dõi và đo lường hiệu quả mức độ hạnh phúc của khách hàng.
Trong bán hàng, vẫn biết rằng những hình ảnh bắt mắt, video sống động, các thiết bị hiện đại… hỗ trợ việc bán hàng rất nhiều, tuy nhiên, chính lời nói mới là vũ khí quan trọng nhất giúp nhân viên bán hàng khi tiếp cận và thuyết phục khách hàng.
Chỉ cần thay đổi một chút ở cách nói, bạn sẽ tạo ra sự khác biệt về thái độ, tình cảm trong khi giao tiếp, giành được cảm tình của khách hàng và dĩ nhiên là… bán được hàng. Đó là lý do tại sao nhiều nhân viên tư vấn khách hàng rất tốt, trong khi nhiều nhân viên bán hàng vẫn kêu than rằng không bán được hàng, hàng ế hoặc khách hàng không mua. Vậy bí quyết bán hàng là gì, dưới đây chúng tôi muốn chia sẻ với các bạn một số kỹ năng bán hàng với những cách làm cho khách hàng của bạn cảm thấy hạnh phúc.
• Tập trung vào lợi ích của khách hàng
Thay vì thao thao bất tuyệt về những ưu điểm của sản phẩm, dịch vụ, nhân viên bán hàng cần dành thời gian để tìm hiểu khách hàng thực sự cần gì và tư vấn những đặc tính sản phẩm thích hợp. Sau đó, khi đã thu hút được sự quan tâm và chú ý của khách hàng, bạn có thể giới thiệu nhiều hơn về các tính năng độc đáo, khác biệt để tăng tính thuyết phục. Đại đa số người tiêu dùng mua sắm vì một nhu cầu thực sự nào đó và họ cần ai đó giúp họ chọn lựa giải pháp tốt nhất cho vấn đề. Hãy cố gắng để trở thành những chuyên gia tư vấn của khách hàng thay vì chỉ chăm chăm mục đích bán được hàng mà thôi, hãy tập trung vào lợi ích của khách hàng.
• Trở thành “chuyên gia” của khách hàng
Một phụ nữ vào siêu thị để mua một nồi cơm điện đa năng và trước đây bà chưa dùng qua sản phẩm này. Nhân viên bán hàng A giới thiệu những tính năng chính của sản phẩm và “an ủi” khách hàng rằng, bà sẽ nhanh chóng sử dụng thành thạo nếu chịu khó đọc hướng dẫn. Nhân viên bán hàng B có cách thuyết phục khác. Anh ta hướng dẫn cách sử dụng thật cặn kẽ và thao tác thử cho người phụ nữ này xem. Rốt cuộc, bà ta mua hàng của nhân viên B.
Điểm mấu chốt ở đây là, nhân viên bán hàng luôn phải đảm bảo sự thuận tiện nhất cho khách hàng. Yêu cầu khách hàng tự tìm hiểu chẳng khác nào giao cho họ bài tập về nhà và chẳng ai thích điều này cả. Khách hàng cần ai đó giúp họ giải quyết được các vấn đề nhanh chóng nhất.
Tạm kết
Thế giới luôn biến động và bất định. Những cá nhân và tổ chức muốn thích nghi, chung sống một cách trọn vẹn trong thế giới bất định ấy thì phải bền vững từ bên trong.
Như con tàu neo bến cảng sóng vỗ dập dìu nhưng thuyền vẫn vững vì neo được buộc chặt và ngược lại neo lỏng thì thuyền trôi và thậm chí tan. Cái neo của mỗi doanh nghiệp là gì? Chính là sự gắn kết của các cá nhân và tổ chức.